Chúng ta thường nói: “ Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam” để chỉ về mức độ khó, đa dạng của ngữ pháp tiếng Việt- ngôn ngữ mẹ đẻ của chúng ta. Tương đồng về độ khó và độ đa dạng với ngữ pháp tiếng Việt – tiếng Hàn cũng là một ngôn ngữ mà ngữ pháp được đánh giá ở mức khó.
Bởi vậy chúng ta thường gặp khó khăn trong việc học ngữ pháp, đặc biệt là có quá nhiều ngữ pháp tương đồng về cấu trúc, về ngữ nghĩa. Chính vì vậy, việc so sánh để phân biệt các ngữ pháp tương đồng về nghĩa trong tiếng Hàn sẽ giúp các bạn hiểu đúng hơn về ngữ pháp và sử dụng phù hợp đúng ngữ cảnh, tình huống. Từ đó tránh gây hiểu lầm trong giao tiếp.
Hôm nay hãy cùng Hana Space tìm hiểu về các ngữ pháp V-아/어 보니(까), V-고 보니(까) và V-다 보니(까) và cách phân biệt 3 ngữ pháp này. Cả 3 cấu trúc này đều được sử dụng khi phát hiện ra sự thật hoặc nói lên suy nghĩ về trải nghiệm/hành động ở vế trước. Nhưng với mỗi cách kết hợp khác nhau lại mang ý nghĩa khác nhau.
1. Ngữ pháp V-아/어 보니(까)
Cấu trúc V-아/어 보니(까) được sử dụng khi phát hiện ra sự thật ở vế sau bởi kết quả của hành động ở vế trước. Ở vế trước, chủ ngữ thường là ngôi thứ nhất.
- Xảy ra khi hành động kết thúc.
Ví dụ: 미나의 설명을 들어 보니 이해가 되었어요.
-> Nghe lời giải thích của Mina thì mình đã hiểu rồi.
- Ngụ ý khi trải nghiệm xảy ra một lần.
Ví dụ: 선호 씨를 만나 보니 좋은 사람이었어요.
-> Gặp Seon-ho rồi mình mới biết cậu ấy là người tốt.
- Mệnh đề sau bao gồm những thông tin, kết quả mà có thể dự đoán trước thông qua dữ kiện của mệnh đề trước.
Ví dụ: 아기를 안아 보니 무겁지 않더라고요.
-> Bế đứa bé rồi tôi mới thấy là nó không nặng tí nào.
2. Ngữ pháp V-고 보니(까)
Cấu trúc V-고 보니(까) dùng để diễn tả sau khi người nói hoàn thành hành động nào đó thì phát hiện thông tin mới hay phát hiện điều gì trái ngược với suy nghĩ trước đó.
- Xảy ra khi hành động kết thúc.
Ví dụ: 미나의 설명을 듣고 보니 이해가 되었어요.
-> Nghe lời giải thích của Mina thì mình đã hiểu rồi.
- Ngụ ý khi hành động xảy ra một lần.
Ví dụ: 선호 씨를 만나고 보니 괜찮은 사람 같았어요.
-> Gặp Seon-ho rồi thì mình thấy cậu ấy có vẻ là người tốt.
- Mệnh đề sau bao gồm thông tin mới hoặc thông tin không ngờ đến (khác với thứ đã từng nghĩ trước đây).
Ví dụ: 아기를 안고 보니 생각보다 무겁지 않았어요.
-> Bế đứa bé xong tôi mới thấy nó không nặng như tôi nghĩ.
3. Ngữ pháp V -다 보니(까)
Cấu trúc V -다 보니(까) diễn tả người nói phát hiện điều gì mới hay tình huống mới xảy ra sau khi thực hiện hành động nào đó liên tục trong quá khứ. 다 trong -다 보니 là hình thức rút gọn của -다가, diễn tả một hành động chen ngang khi một hành động khác đang xảy ra. -보니 là hình thức rút gọn của 보다 và -(으)니까 diễn tả sự phát hiện hoặc kết quả. Vì thế, có thể sử dụng cả hai hình thức -다가 보니까 và -다 보니까 với ý nghĩa tương đương. Khi phía trước 다 보니 đi với tính từ hoặc 이다thì mệnh đề trước diễn tả lý do cho mệnh đề sau.
Các lưu ý khi sử dụng ngữ pháp này:
- Xảy ra khi hành động vẫn đang còn tiếp diễn.
Ví dụ: 미나의 설명을 듣다 보니 이해가 되었어요.
-> Nghe lời giải thích của Mina thì mình đã hiểu rồi.
- Ngụ ý khi hành động xảy ra nhiều lần.
Ví dụ: 선호 씨를 만나다 보니 사랑하게 되었어요.
-> Mình đã gặp Seonho nhiều nên giờ mình đã yêu cậu ấy mất rồi.
- Mệnh đề sau bao gồm thông tin mới phát hiện hoặc trở thành trạng thái như thế nào đó mang tính kết quả của hành động ở vế trước.
Ví dụ: 아기를 안다 보니 허리가 안 좋아졌어요.
-> Bế đứa bé khiến tôi thấy đau lưng.
Tổng kết lại chúng ta có thể so sánh thông qua bảng sau:
아/어 보니(까) | 고 보니(까) | 다 보니(까) |
Xảy ra khi hành động kết thúc. | Xảy ra khi hành động kết thúc. | Xảy ra khi hành động vẫn đang còn tiếp diễn. |
Ngụ ý khi trải nghiệm xảy ra một lần. | Ngụ ý khi hành động xảy ra một lần. | Ngụ ý khi hành động xảy ra nhiều lần. |
Mệnh đề sau bao gồm những thông tin, kết quả mà có thể dự đoán trước thông qua dữ kiện của mệnh đề trước. | Mệnh đề sau bao gồm thông tin mới hoặc thông tin không ngờ đến (khác với thứ đã từng nghĩ trước đây). | Mệnh đề sau bao gồm thông tin mới phát hiện hoặc trở thành trạng thái như thế nào đó mang tính kết quả của hành động ở vế trước. |